Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, hay còn gọi là Hội nghị Các bên (COP) tham gia Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (nay là Hiệp định Paris 2015) lần thứ 26 năm 2021 diễn ra với 4 mục tiêu chính. Việt Nam cùng gần 200 quốc gia trên Thế giới tham gia và cam kết từ bỏ điện than tại hội nghị COP26. Cụ thể, Điện Xanh tổng hợp qua bài viết sau.
1. 4 mục tiêu của Hội nghị COP26
Hội nghị COP26 đúng ra phải được tổ chức năm 2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã đẩy lùi Hội nghị sang năm nay và diễn ra tại Thành phố Glasgow của xứ Scotland, nước Anh từ ngày 31/10 – 12/11.
4 mục tiêu chính được đặt ra của Hội nghị COP 26:
- Thứ nhất: Đảm bảo thế giới giảm phát thải đáng kể vào năm 2030 nhằm đạt trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050 và nhờ đó giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt trái đất trong giới hạn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
- Thứ hai: Thích ứng với Biến đổi khí hậu để bảo vệ các cộng đồng và sinh cảnh tự nhiên.
- Thứ ba: Huy động ít nhất 100 tỷ USD hàng năm cho tài chính khí hậu giúp các nước tiến tới net zero.
- Thứ tư: Đoàn kết cùng nhau hành động bằng những quy tắc chung chi tiết cho Hiệp định Paris.
2. Việt Nam tham gia cam kết từ bỏ điện than tại Hội nghị COP26
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam tham gia liên minh 190 quốc gia cam kết loại bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than. 18 quốc gia bao gồm Việt Nam, Ba Lan, Chile lần đầu tham gia cam kết này.
Theo nội dung của tuyên bố, các quốc gia cam kết chấm dứt mọi hoạt động đầu tư điện than mới trong nước và quốc tế, nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai điện sạch. Các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than vào thập niên 2030, trong khi phần còn lại của thế giới sẽ thực hiện mục tiêu này vào thập niên 2040. Các nước cũng cam kết thực hiện chuyển đổi từ điện than sang điện sạch theo cách có lợi cho người lao động và cộng đồng.
“Hôm nay đánh dấu thời điểm quan trọng trong nỗ lực toàn cầu của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đồng lòng tại Glasgow để tuyên bố than đá không còn vai trò trong ngành sản xuất điện tương lai”, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng cho biết. “Hồi kết của than đá đã ở trước mắt. Thế giới đang đi đúng hướng”.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng.
Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất.
“Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″ – Thủ tướng nêu cam kết của Việt Nam.
Cuối cùng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
Xem thêm:
- Việt Nam cam kết không tăng nhiệt điện than
- Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch
Với những cam kết và hành động tại COP26, các quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy quyết tâm lớn trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế các nguồn năng lượng gây ảnh hưởng tới môi trường và xu hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tương lai được các nước trên Thế giới quan tâm, chú trọng.
Tham khảo: Internet